Cần một con hổ trên xuồng (Cuộc đời của Pi)

0
259
16 tuổi, đột nhiên mất toàn bộ gia đình trong nạn đắm tàu, Pi, chàng thiếu niên Ấn Độ ăn chay và nhạy cảm, bỗng thấy chỉ còn duy nhất mình, với một con hổ Bengal trưởng thành và đói khát, trên chiếc xuồng trôi dạt giữa đại dương.
 Kết quả hình ảnh cho chuyện của Pi
7 tháng trôi qua cho đến Pi dạt vào bờ biển. Với những gì diễn ra suốt hơn hai trăm ngày đêm đó, Pi dạy cho tôi rằng, trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều cần có một con hổ trên xuồng.
 

Pi đã vạch ra đến 6 kế hoạch để giết con hổ Bengal đang chung sống trên xuồng, nhưng cuối cùng, kế hoạch Pi thực hiện lại là cái thứ 7: giữ cho nó sống.

Thật quái lạ và dường như hết sức phi lý trong hoàn cảnh đang trôi dạt giữa đại dương, một thiếu niên mảnh khảnh, ngoài việc lo cho bản thân khỏi chết, lại phải cáng đáng một nhiệm vụ nhọc nhằn và được ưu tiên trước cả việc chăm sóc chính mình – đó là đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu cho kẻ thù.

Ban đầu, con hổ mạnh hơn Pi. Nó chỉ đập đuôi đã khiến Pi chết khiếp. Nhưng kẻ bị áp bức không chấp nhận điều đó. Pi quyết mạnh hơn con hổ vì Pi phải chọn giữa: a. Tiếp tục sống, b. Chết vì nó và c. Chết vì những tai họa giữa đại dương. Tai họa giữa đại dương có thể xảy đến lúc nào đó, có thể không, nhưng với con hổ đói khát, Pi sẽ chết ngay lập tức.

Pi chọn sống. Vì thế, để con hổ không quá đói khát mà ăn thịt mình, Pi phải giữ nó sống.

Khi hoàn toàn cô độc lênh đênh trên mặt biển bao la, kiệt quệ, bị vùi dập dưới nắng mưa, bão tố, cá mập đe dọa, không giấc ngủ nào quá một tiếng đồng hồ, tuyệt đối không có hy vọng được cứu, Pi đã học được rằng tử thần thực sự nhiều khi không đến từ bên ngoài, mà chính từ sự không thiết sống nữa.

Hoàn cảnh vô vọng dễ bẻ gẫy mọi kháng cự. Khi tâm trí rã rời, một cơ thể đang kiệt lực chỉ còn việc xuôi chiều. Pi sẽ nằm dài tiếc nhớ, đau khổ và thất vọng. Rồi chết. Nhưng, một con hổ luôn đói khát sống trên cùng chiếc xuồng đã buộc đầu óc Pi luôn phải tỉnh táo. Sự đe dọa thường xuyên của no khiến Pi không lúc nào rảnh rỗi để chán nản và buông xuôi. Pi phải học cách câu cá cho nó và cho mình ăn, hứng nước cho nó và mình uống, chế tạo chiếc bè để mình ngủ.  Pi không được phó mặc, Pi buộc phải hoạt động.

Để sống, Pi phải mạnh hơn con hổ. Pi đã biến mảnh vỏ hạt dẻ trơ trọi giữa đại dương thành một gánh xiếc hoạt náo-nơi Pi buộc con hổ trở thành diễn viên chính, Pi dạy dỗ và thưởng phạt nó.

Giữa muôn trùng xanh ngắt nhàm chán, con hổ màu da cam rực rỡ trở thành điểm đỡ cho tầm mắt và trung tâm cuộc sống của Pi. Mối nguy hiểm tiềm tàng từ con hổ, tuyệt diệu thay, đã trở thành động lực sống của Pi. Pi buộc phải phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi thói quen cũ để sinh  tồn trong hoàn cảnh mới. Pi buộc phải học những kiến thức mới, những kỹ năng mới, những nhìn nhận mới. Pi khám phá cuộc sống bằng trải nghiệm của mình. Pi phát hiện ra những khả năng bất ngờ của chính mình. Pi lớn vụt.

Một hạt mầm bị hơi nước thúc ép, hoặc phải phá tung lớp vỏ cũ và bật lên vững chãi, hoặc sợ hãi co lại và ủng thối. Con hổ đã chính là hơi nước cần thiết đó, cho hạt mầm Pi.

Thông thường, chúng ta sống cuộc đời của mình giống như nó đã được bảo hiểm. Chúng ta dự phòng và tránh xa mọi rủi ro. Chúng ta cố gắng lập trình đời mình càng chi tiết càng tốt. Nhiều người từ chối cả sự thay đổi.

Nhưng cuộc sống không phải chiếc két sắt. Cuộc sống luôn rình ném cho chúng ta những con hổ trên xuồng, vào lúc bất ngờ nhất.

“Chỉ lúc đó tôi mới phát hiện ra rằng mình có một ý chí sống thật mãnh liệt. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy đó không phải là điều hiển nhiên. Có nhiều người trong số chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một tiếng thở dài. Những người khác chiến đấu chút đỉnh, rồi mất hy vọng. Nhưng một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những thất bại phải chịu, bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng. Nó là cái gì thuộc về bản chất, một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể cũng chỉ là sự ngu ngốc của lòng ham sống mà thôi.” (Life of Pi-tác giả Yan Martel, dịch giả Trịnh Lữ).

Thật khó dùng từ nào khác tuyệt vời hơn “sự ngu ngốc của lòng ham sống” để giải thích cú bùng phát huy hoàng ấy. Bất chấp mọi lý thuyết, nó là năng lượng nguyên sơ, mạnh mẽ tột cùng. Không có cẩm nang hướng dẫn nào cả, nó vạch lối cho chính mình.

Có thể việc lập trình cuộc đời dễ dẫn đến thành công. Có thể việc định sẵn cho mình là hoa, là gai hay là cây thật dễ chịu. Nhưng cũng có thể, trong chúng ta còn rất nhiều hạt mầm khác. Sao không để chúng nở ra? Chúng ta có thể vừa là hoa, vừa là gai, vừa là cây, vừa là một thác nước, vừa là một cánh đồng. Tại sao không? Tại sao chỉ giới hạn mình trong một đường ray mòn nhẵn và nhiều khi không do chúng ta quy định?

Chúng ta thường xuyên sợ hãi. Vòng phấn an toàn Đường Tăng vẽ quanh chúng ta lúc nào cũng còn đó. Thò chân ra, yêu tinh ma quái sẽ cắp mất. Nhưng cần phải thò chân ra. Nhất định phải bước ra khỏi vòng phấn. Nếu không gặp yêu tinh ma quái thì suốt đời thầy trò Đường Tăng chao ơi là nhạt nhẽo. Ngộ Không sẽ lẫy lừng biến hóa 72 phép thần thông ở đâu nếu không bị yêu ma chặn đường? Đường Tăng có hoằng dương Phật pháp nổi không nếu chỉ bấm nút yêu cầu là 657 bộ kinh sách email vèo đến?

Một con hổ trên chiếc xuồng chính là quà tặng của Thượng đế. Mọi hạt mầm rực rỡ mà chúng ta không ngờ ẩn sâu trong chính mình cần phải được hơi nước hun đúc để nở tung lộng lẫy.

Tôi yêu con hổ Richard Parker. Tôi yêu một cuộc sống quật khởi và mãnh liệt. Tôi yêu sự khám phá mãi bản thân.

Năm vẫn còn mới. Chúc chúng ta, các bạn và chính tôi, năm mới, trên chiếc xuồng của mình sẽ luôn luôn có một con hổ.

Hoàng Xuân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

5 × three =