Mẹ ơi, cuốn sách này đọc có hay không?

0
754

Mẹ ơi, cuốn sách này đọc có hay không?

(TBKTSG Online) – Có con cái mê đọc sách, ham học hỏi là niềm vui. Nhưng có làm phụ huynh hàng tuần gác lại trăm công nghìn việc để đưa con đi nhà sách, mới hiểu để tận hưởng cái niềm vui đó, chẳng phải giản đơn…

Phụ huynh cùng con chọn sách. Ảnh chụp tại nhà sách Phương Nam – Vivo City, quận 7, TP.HCM vào tối 29-5-2015.

Ba mẹ làm gì khi con chọn sách?

Việc đến nhà sách với con vào những ngày cuối tuần được xem là một kiểu sinh hoạt văn hóa. Hình ảnh nhàn tản ấy toát lên một vẻ đẹp của sự hiếu tri và đầy chia sẻ. Nhưng sự đồng hành chắc chắn không dừng lại ở đó. Trước khi chủ động trong việc chọn lựa cái đọc, bọn trẻ vẫn luôn chờ đợi và mong muốn phụ huynh của chúng đồng hành trên những trang sách. Điều này với một số phụ huynh sẵn đam mê sách vở thì dễ ợt, nhưng với đa số phụ huynh không sẵn tình yêu dành cho sách vở, thì thật là khó khăn.

Ngày cuối tuần ở các nhà sách lớn trong thành phố thường nhộn nhịp. Bọn trẻ lăng xăng chọn sách rồi trao đổi với người lớn nên mua sách gì, đôi khi là trả treo thêm bớt cuốn nọ cuốn kia rồi chúng được định hướng, giải thích kỹ càng trước khi đến quầy tính tiền, đón những cuốn sách mới về nhà. Nhưng cũng có những góc riêng lặng lẽ của những đứa trẻ ngồi lót dép đọc truyện tranh say sưa hay cầm lên đặt xuống một cuốn sách với vẻ mặt đầy băn khoăn, không biết là nên chọn hay bỏ. Đơn giản, người đồng hành của chúng đang mải mê ngồi ở quầy bán nước hay quán cà phê gian bên cạnh để lướt web, lên Facebook hay tranh thủ hẹn bạn bè…

Trước khi chủ động chọn sách đọc, thiếu nhi cần sự đồng hành hướng dẫn và chia sẻ của người lớn.

Các nhà sách lớn trong thành phố cũng thật là nhanh nhạy trong việc nắm bắt hành vi tiêu dùng dạng này, nên ngày nay, gian sách cho thiếu nhi luôn đặt cạnh một quán cà phê gọi là “cà phê sách” nhưng thực chất là nơi để phụ huynh có thể ngồi nhâm nhi cà phê, hẹn bạn bè hay mang theo laptop làm việc riêng trong khi con mình đang chọn sách. Những quán cà phê theo mô hình “chờ con chọn sách” kiểu này khá đông vào mỗi cuối tuần hay các dịp lễ.

Mẹ ơi, cuốn sách này đọc có hay không?

Có đưa con đi nhà sách mới hiểu cảm giác lúng túng khi đứng trước một rừng sách và bạn phải giải đáp câu hỏi của bọn trẻ một cách thật cụ thể và thành thực: “Ba (mẹ) ơi, cuốn sách này đọc có hay không?”. Câu hỏi khó với cả những phụ huynh sẵn đam mê đọc sách và là dạng câu hỏi “bất khả tư nghị” với những phụ huynh tối mắt tối mũi với mưu sinh, xa lạ với đời sống sách vở.

Lúng túng, đó là cảm giác chung. Và thường thì những phụ huynh kiên nhẫn sẽ lướt lướt qua để tư vấn cho con trong việc chọn mua. Nhưng đa phần thì không đủ kiên nhẫn trước một rừng sách bạt ngàn. Quyết định “chọn đại”, rủi may tính sau (và không ít trường hợp phải chấp nhận rủi nhiều hơn may!)

Đến đây, lại nói một chuyện liên quan. Báo chí thời gian này đề cập nhiều đến những trường hợp sách cho thiếu nhi có nội dung không phù hợp, sách lỗi, thậm chí được biên soạn rất ẩu, nhiều vụ thu hồi sách thiếu nhi đã xảy ra…, và điều đó tác động rất lớn đến tâm lý lúng túng và băn khoăn của phụ huynh khi chọn sách cho con. Trước hết là cảm giác băn khoăn. Không băn khoăn sao được khi mà chính họ không thể nào đủ thời gian để có thể đọc qua trước tất cả những sách mà con cái mình sẽ đọc nên biết nên chọn gì và bỏ gì. Không lúng túng sao được khi báo chí truyền thông bên ngoài chỉ làm được một nửa công việc, đó là “đánh động” và “đánh dẹp” sách ẩu, sách kém chất lượng nhưng chưa làm được cái việc quan trọng hơn là công tâm chọn giới thiệu, bình luận, tiến cử cho người tiêu dùng những cuốn sách thiếu nhi hay, cần đọc, đáng đọc.

Thông tin sách hay cho thiếu nhi trên báo chí hiện nay cực kỳ thiếu thốn. Phụ huynh đôi khi chọn sách cho con từ những thông tin do các đơn vị phát hành, nhà xuất bản, công ty sách – nơi đầu tư ấn phẩm đưa ra và như thế rất thiếu khách quan. Mua lầm, mua phải sách ẩu là chuyện dễ hiểu.

Dấu ấn của một khởi đầu

Đến những gian sách thiếu nhi, thấy cảnh chộn rộn, dễ có cảm giác lạc quan khi nghĩ đến một lớp độc giả mới được nuôi dưỡng tình yêu sách vở ngay từ nhỏ. Nhưng sẽ lạc quan hơn khi mà trên thực tế, những đơn vị làm sách, các nhà xuất bản thay vì cứ đến ngày quốc tế thiếu nhi lại mở hội thảo nói về việc “chúng ta nói gì khi nói về viết cho thiếu nhi” thì hãy giữ chữ tín với những độc giả của mình qua việc xuất bản những đầu sách tốt, có giá trị, những đầu sách lớn lên cùng niềm đam mê đọc của chúng. Sẽ lý tưởng hơn nếu việc ươm mầm đam mê đọc cho bạn đọc nhỏ tuổi được xã hội quan tâm, ngay từ việc bình chọn sách, ưu tiên khám phá, đầu tư nguồn sách chất lượng tốt…

Những đứa trẻ mê sách sẽ hạnh phúc nếu được cha mẹ sắp xếp thời gian đưa đi nhà sách hàng tuần. Nhưng chúng sẽ hạnh phúc hơn nếu sự tình yêu và sự chủ động đến với sách trong cuộc đời chúng được khởi đầu bằng dấu ấn của sự chia sẻ và quan tâm “không máy móc” của người lớn.

Bài và ảnh: Nguyễn Vinh
Nguồn: 
http://www.thesaigontimes.vn/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

twelve − 11 =