Phùng Quán sách và đời: Tài hoa, bi tráng

0
85

NXB Văn hóa – Văn nghệ tái bản 3 tác phẩm tiêu biểu thể hiện sự tài hoa của ngòi bút Phùng Quán

So-492--Nha-van-Phung-Quan---Anh-1

Phùng Quán (1932-1995) là một trong những nhà văn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến và trân trọng. Ông là nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với cách mạng, với lý tưởng mà mình theo đuổi từ thuở thiếu thời: đi theo Vệ quốc đoàn, trở thành người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chính những năm tháng trong quân ngũ, với một tâm hồn nhân hậu yêu thương con người và luôn hướng về Tổ quốc, nhân dân đã tạo nên “khúc quanh đột ngột” trong cuộc đời Phùng Quán: trở thành nhà văn với tác phẩm đầu tay “Vượt Côn Đảo”. Nhưng sóng gió trong cuộc đời mà số phận buộc Phùng Quán phải trải qua trong 30 năm không làm ông phai nhạt. Ông vẫn âm thầm sống và viết, kiên trì với ngòi bút và vẫn tha thiết một tình yêu dành cho đất nước, nhân dân.
 
Trọn đời ông đã tận hiến cho văn nghiệp nhưng trên tất cả là một nhân cách cao quý, một trái tim nhân ái sâu nặng ân tình, một con người khí khái, một hồn thơ trữ tình, một kiếp tằm “đến thác vẫn còn vương tơ”… “Ba phút sự thật”, “Trăng hoàng cung” và “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” là 3 tác phẩm tiêu biểu thể hiện sự tài hoa của ngòi bút Phùng Quán, vừa được NXB Văn hóa – Văn nghệ tái bản.
 
“Ba phút sự thật” gồm những bài ký viết về bạn bè, đồng nghiệp, người thân… qua ngòi bút chân thật mà không kém phần lãng mạn, hài hước của ông gợi lên nhiều xúc cảm, suy tư về cuộc đời. Từng câu chuyện trong tác phẩm đều mang một thông điệp nhân văn sâu sắc khiến người đọc phải suy ngẫm. Qua những bức chân dung bằng chữ thấm đượm nhân tình ấy, ta hiểu hơn về thân phận người trí thức, để xúc động trước vẻ tài hoa bi tráng và nét phong lưu phiêu bạt của những con người dẫu đã hóa thân thành cát bụi cũng còn lưu mãi với đời vẻ đẹp nhân cách.
 
“Trăng hoàng cung” có lẽ là tập thơ hay nhất và kỳ lạ nhất của Phùng Quán. Đây là tác phẩm kết hợp văn xuôi với thơ, mượn văn để đưa lối đến vườn thơ nhưng đó chính là những áng văn rất thơ được chắt lọc từ những trải nghiệm của “một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ”. Người đọc sẽ xúc động hơn khi đọc hồi ức “Phùng Quán viết “Trăng hoàng cung” của nhà văn Hà Khánh Linh – nàng Thơ, người tạo nguồn cảm hứng, khiến nhà thơ Phùng Quán đã phải thốt lên: “Cảm tạ em – Ta đã hồi sinh”. Qua đó, bạn đọc sẽ biết được xuất xứ của mỗi bài thơ và hiểu sâu sắc hơn về “Trăng hoàng cung”. Đặc biệt, người đọc sẽ hiểu được thế nào là lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn – từ hiện thực đến tác phẩm.
 
Nếu như “Ba phút sự thật” và “Trăng hoàng cung” là 2 tác phẩm mang nét hào hoa khí khái và lãng mạn mang lại cho người đọc nhiều cảm nhận đẹp, từ xúc động ngậm ngùi đến hài hước duyên dáng thì “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” là những lời tự sự chân thật về cuộc đời và mối duyên tiền định giữa Phùng Quán và ngòi bút. Đó là những trang văn tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc đời của chàng trai 20 tuổi Phùng Quán với “đôi mắt sáng cặp môi hồng lúc nào cũng sẵn sàng để biểu diễn thơ”. Lần tái bản này, NXB Văn hóa – Văn nghệ bổ sung bài viết “Đi tìm Như của Phùng Quán” của phóng viên Thu Dịu, giúp bạn đọc rõ hơn về nhân vật trong tác phẩm cũng như tính xác thực của những trang hồi ký còn dang dở… 
KIM PHƯỚC
(nld.com.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

nineteen − nine =