“CHA MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN”-Cuốn sách ép ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc nuôi dạy con.

0
407

Alfie Kohn-tác giả-một học giả chuyên nghiên cứu về hành vi con người và hoạt động nuôi dạy trẻ đã lật ngược gần như toàn bộ những quan niệm thường thức của chúng ta về việc nuôi dạy trẻ.

Chúng ta thường quan niệm rằng trong nuôi dạy con việc thưởng và phạt là không thể tránh khỏi và thậm chí là vô cùng cần thiết. Có chăng chúng ta chỉ băn khoăn về cách thức thưởng và phạt mà thôi. Đại loại như chúng ta đồng ý là không nên thưởng cho trẻ quá nhiều vật chất và thưởng một cách dễ dãi. Chúng ta tán thành phạt nhưng chống lại cách phạt gây nguy hiểm hay đau đớn cho trẻ như đánh đòn hoặc chửi bới…

Nhưng chúng ta có vẻ đã…lầm vì trong tác phẩm này Alfie Kohn đã dựa trên các nghiên cứu khoa học cụ thể, đáng tin cậy để đi xa hơn khi phủ định vai trò của cả “thưởng” và “phạt”.

Thông qua quan sát và nghiên cứu, ông định ra hai kiểu cha mẹ và tương ứng với nó cũng hai kiểu tình yêu dành cho con: có điều kiện và vô điều kiện.

“Có điều kiện” và “vô điều kiện” ở đây là khái niệm tâm lý-giáo dục học chứ không phải là khái niệm hiểu theo nghĩa thông thường.

Nói một cách đơn giản, tình yêu “có điều kiện” là kiểu tình yêu mà cha mẹ chỉ trao cho trẻ khi trẻ ĐÁP ỨNG được một hay nhiều yêu cầu hay kì vọng nào đó mà cha mẹ đặt ra như “ngoan”, “học giỏi”, “biết vâng lời” trong khi “yêu thương vô điều kiện” là tình yêu thương cha mẹ tự nguyện trao cho con một cách tự nhiên không kèm điều kiện gì.

Thưởng-phạt bao gồm cả các hình thức thưởng bằng vật chất hay lời khen, các hình thức phạt vốn được coi là nhẹ nhàng nhất như bắt trẻ đứng một mình trong phòng, giả vờ làm ngơ trẻ…đều là các biểu hiện của “cha mẹ”/ “tình yêu” có điều kiện.

Từ các nghiên cứu lâm sàng cụ thể, tác giả đi đến kết luận rằng kiểu tình yêu, kiểu làm cha mẹ có điều kiện như vậy đã giết chết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nó để lại hậu quả nặng nề trong tâm lý, nhân cách của những đứa trẻ khi đã trưởng thành, những đứa trẻ này khó có cơ hội sống hạnh phúc dù có thể thành đạt. Tình yêu có điều kiện sẽ dẫn đến tình trạng cha mẹ có gắng kiểm soát con và theo ông điều này có nguy cơ biến con thành người xấu.

Kết luận sau đây của ông có thể sẽ khiến những bậc phụ huynh nào đang quá yêu thương con mình phải nghiêm túc xem lại mình:

“Trẻ em bị kiểm soát tình yêu thương thường có ít niềm tin vào bản thân. Chúng có những dấu hiệu cho thấy một tinh thần nghèo nàn nói chung và dễ tham gia vào các hành vi phạm tội”
Chính vì thế, ông cực lực phản đối cả hai mô hình phụ huynh là “kiểm soát con quá mức” và “quá hà khắc”. Theo ông cả hai mô hình cha mẹ này đều có tác động xấu đến sự hình thành nhân cách và thế giới tinh thần của trẻ.

Vậy thì, theo ông, muốn làm những người cha mẹ tốt, chúng ta phải làm gì?

Không giống như các tác giả khác, Alfie Kohn không “thích” và cũng không có chủ ý đưa ra một mẫu hình công thức nào. Ông coi trọng các nguyên lý và nhận thức chung hơn là các biện pháp cụ thể vì ông cho rằng phụ huynh một khi thấu hiểu các nguyên lý sẽ tìm được các biện pháp phù hợp. Chính vì vậy, dựa trên cơ sở coi trẻ em như một thực thể phong phú, đặc sắc không thể thay thế, ông đề xướng lối giáo dục gia đình tôn trọng tuyệt đối trẻ em. Ông coi trọng sự dân chủ trong cái nhìn của cha mẹ đối với con cái để từ đó đề ra 13 nguyên lý cơ bản nhất của việc nuôi dạy con.

1. Hãy đối diện với chính mình.
2. Hãy xem lại yêu cầu của bạn.
3. Hãy để tâm đến mục tiêu dài hạn.
4. Đặt mối quan hệ với con lên hàng đầu
5. Hãy thay đổi cách nhìn, đừng chỉ thay đổi hành vi
6. TÔN TRỌNG TRẺ
7.Hãy thành thực
8. Nói ít đi, hỏi nhiều hơn
9. Để tâm đến độ tuổi của trẻ
10. Hãy tìm cho trẻ động cơ tốt nhất, phù hợp với thực tế.
11. Đừng khăng khăng nói “Không” nếu không cần thiết.
12. Đừng cứng nhắc.
13. Đừng nóng vội

Đọc kĩ phần phân tích của ông đối với 13 nguyên lý nói trên, chúng ta càng hiểu rõ việc tôn trọng trẻ như một thực thể phong phú và độc lập có ý nghĩa to lớn như thế nào. Khi nhận thức được điều đó chúng ta sẽ hạn chế việc khen thưởng hay phạt trẻ một cách vô lý và tham lam không cần thiết, tạo cho trẻ không gian dân chủ, tự chủ và phát triển lành mạnh.

Cuốn sách được viết dưới dạng một tác phẩm học thuật hơn là một tác phẩm dành cho đại chúng vì thế khi đọc các bạn phải đọc thật chậm và nghiền ngẫm. Từng câu, từng chữ tuy hơi cứng nhắc trong văn phong nhưng rất có sức nặng về hàm lượng thông tin.

Cho dẫu thế, thì khi gấp sách lại chúng ta sẽ thấy những kết luận mà cuốn sách muốn chuyển đến chúng ta thật đơn giản và dễ hiểu. Chẳng hạn đây là mấy kết luận mà tôi tự ý rút ra sau khi đọc sách.

– Cố gắng tôn trọng tối đa con thay vì quát nạt hoặc thưởng phạt bừa bãi
– Cố gắng ở bên con càng nhiều càng tốt, chơi với con, trò chuyện cùng con tốt hơn là mua thật nhiều quà cho con.
– Thay vì cáu giận và trừng phạt trẻ ngay hãy cố tìm hiểu xem tại sao con lại phạm lỗi hay có hành vi không đúng.
– Cố gắng nhìn thế giới xung quanh bằng con măt trẻ thơ để đồng cảm với trẻ.
– Hãy luôn nghi nhớ trong đầu rằng mục tiêu của nuôi dạy con là tạo ra một con người biết sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình chứ không phải tạo ra một người thỏa mãn các kì vọng của mình hay là người đem lại vinh quang cho bố mẹ

Cuốn sách thích hợp cho việc đọc đi đọc lại và vừa đọc vừa tra cứu bởi nó cung cấp một dung lượng chú thích chi tiết khá lớn và phần tài liệu tham khảo rất cơ bản và hệ thống.

Nó sẽ làm cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc lại việc nuôi dạy con-một công việc vô cùng hạnh phúc nhưng cũng vô cùng vất vả và không ai dám chắc mình nắm trong tay bí quyết vạn năng.

(Nguyễn Quốc Vương)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

twelve − 3 =