Suối nguồn: Nơi khơi nguồn đam mê, sáng tạo và tình yêu cuộc sống (The Fountainhead)

0
786

Suối nguồn: Nơi khơi nguồn đam mê,
sáng tạo và tình yêu cuộc sống

Cách đây 1 năm, khi ngồi một mình ở quán cafe nhỏ ngay góc đường Lý Thường Kiệt – Quận 10, tôi quen một người bạn làm bên lĩnh vực CNTT. Anh rất ít đọc sách, vì phần lớn thời gian anh ngồi lập trình, và coi máy tính như một vật bất ly thân…
 

Cho đến một hôm vô tình tôi thấy anh cầm trên tay một cuốn sách rất dày, thật sự dày, đọc ngấu nghiến từ trưa đến chiều ngay tại quán, không làm việc và đọc suốt cả tuần cho đến khi trang cuối của cuốn sách được gấp lại với một cảm giác mãn nguyện thể hiện rất rõ trên khuôn mặt của anh.
 

Tôi đã biết được tên sách là Suối nguồn và đã hỏi anh vì sao cuốn sách lại làm anh mê mẩn đủ để có thể tạm dừng công việc của mình và giành khá nhiều thời gian cho nó.
 

Cho đến tận thời điểm này, khi mà tôi đã có câu trả lời từ chính cuốn sách đó và khi ngồi viết những dòng này, cái cảm giác rạo rực, bất ngờ xen lẫn vui sướng khi được đọc một tác phẩm hay  như vậy vẫn còn ấm nóng trong đầu tôi. Tôi dùng từ “hay” chứ  không dùng từ kinh điển, tuyệt vời hay là xuất sắc bởi vì cái hay đến từ cảm giác, cảm xúc của chính người đọc chứ không phải là một mĩ từ được những nhà xuất bản hay các tạp chí gán cho cuốn sách.
 

“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị… mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối… một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.” – Saturday Review of Literature
 

“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Mountain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).” – New York Times
 

Tuy nhiên nó xứng đáng với những gì người ta nói về nó, từ nội dung mới lạ, văn phong lôi cuốn và cách xây dựng nhân vật độc lập nhưng ràng buộc lẫn nhau cho đến ý nghĩa đúc kết lại từ những gì tác giả muốn truyền đạt cho người đọc. Câu văn gọn đến mức khô khan, chân thực đến độ thô ráp, toàn những mô tả trực diện sắc sảo và góc cạnh, chẳng vuốt ve nuông chìu mắt người đọc tí nào. Thế mà đã chạm vào rồi thì thật khó dứt ra. Đọc xong lâu rồi vẫn chưa hết choáng ngợp và ám ảnh. Có cảm tưởng như đây là một cuốn sách về triết học, một thế giới quan thu nhỏ, và như một bản hùng ca tôn vinh con người, những con người mà tác giả cuốn sách – nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) – hướng tới là những người sáng tạo, những người “xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.” Theo tôi, cuốn sách không đứng về phía số đông, không hướng về một tập thể, nhưng mỗi một người trong số đông, trong một tập thể nào đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc vẫn không ngừng cố gắng trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, để đi đến tận cùng bản ngã và hạnh phúc cá nhân.
 

Theo tôi được biết suốt 60 năm sau lần xuất bản đầu tiên (năm 1943), cuốn tiểu thuyết kinh điển này đã bán được 6 triệu bản và cho đến nay, tác phẩm vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm, đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Times). Tác phẩm đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt và có bán ở hầu hết các hiệu sách lớn. Vậy từng đó đã đủ để bạn chạy ra hiệu sách mua ngay quyển Suối nguồn về đọc chưa? Chắc là chưa. Bởi bạn có thể nói rằng, những triết lý này không mới, những cuốn sách tâm lý, xã hội chứa đựng còn nhiều nội dung hơn thế. Bạn đúng, ngần ấy chưa đủ làm nên Suối nguồn – một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới cho dù được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Chính Ayn Rand cũng đã khẳng định: “Bà viết Suối nguồn không nhằm để dạy dỗ người khác về triết lý sống và sáng tạo. Bà chỉ quan tâm đến một người thôi, là Howard Roark.” Đó là lối trả lời thông minh và chân thật. Bởi đã qua rồi cái thời mà nhà văn đứng ra biện bạch rằng tác phẩm của tôi nói lên tư tưởng nọ, triết lý kia, ủng hộ người này, đả đảo tổ chức kìa… Nhà văn càng cố biện bạch thì tác phẩm càng sớm bị rơi vào thế cô lập và càng bị phản đối bởi số đông.
 

Bên cạnh đó Suối nguồn còn bao gồm nhiều bài học, mà ở đó, tôi nhận ra rằng chính mình cũng đã từng sai lầm, đã từng có những suy nghĩ, định kiến thứ sinh, tiêu cực, những bài học đó không bảo rằng ta nên sống tốt hơn, nên thay đổi bản thân theo một hình tượng nào đó mà từng câu, từng chữ khiến ta phải suy nghĩ, ray rứt. Nó giúp ta tìm lại những thói quen tích cực, những khả năng sáng tạo đã bị bỏ quên hay một phần do những suy nghĩ, hành động và môi trường sống đã vô tình hạn chế vùi lấp một phần giá trị thật sự của chính mình. Những nhân vật trong sách không còn đủ lòng tin vào xã hội đương thời, tồi tàn, nhiều tệ nạn nhưng họ vẫn không dừng lại, họ không hề chịu thua nó, họ vẫn sống với cái bản năng và đức tin từ chính con người họ. Vì tình yêu và sự đam mê là cái đích cuối cùng của cuộc sống, không có tình yêu, không có đam mê thì sự tồn tại của con người còn ý nghĩa gì nữa.
 

Đó là những điều làm tôi khâm phục và tâm đắc, ngay thời điểm đọc xong cuốn sách hay cho đến tận bây giờ, cái cảm giác hừng hực khó tả, động lực vô hình nhưng hiển hiện từ tất cả những gì cuốn sách muốn truyền tải lại cho người đọc nói chung hay chính bản thân tôi nói riêng là một dòng suối chảy siết, nhiều gấp khúc, nhiều dữ dội, thậm chí đôi lúc còn là sự cuồng loạn đến nghiệt ngã. Đó là cuốn sách giành cho những con người có trái tim quyết liệt, tham vọng, đam mê và cháy bỏng đến tận cùng vì họ luôn có niềm tin và tình yêu mãnh liệt đối với tất cả những gì thật sự quan trọng đối với họ cho dù sự tận cùng đó phải vật vã từ trong đau đớn tuyệt vọng và phải trả một cái giá không rẻ cho chính số phận và cuộc đời họ. “Nỗi đau chỉ có khả năng xuống đến một điểm nhất định”, đây là câu nói tôi thích nhất của Howard Roak – nhân vật chính trong truyện.
 

Hãy đọc Suối nguồn và suy ngẫm về bản thân, suy ngẫm về cuộc sống xung quanh… tôi hy vọng là mỗi người trong các bạn khi đã hòa mình vào dòng suối đó, sẽ cảm thấy không bị lạc lõng, không bị cô lập bởi những định kiến nhất định, những lề lối khuôn khổ được định sẵn nào, mà ngược lại, nó sẽ đưa bạn hòa vào dòng sông của tuổi trẻ, rồi chảy ra biển cả bao la rộng lớn nơi khởi nguồn của sự sống, của kiến thức, của sự sáng tạo nơi mà bạn sẽ tìm được giá trị chân chính trong tâm hồn, và bản chất con người để có định hướng cho bản thân cũng như thái độ của mình đối với cuộc sống nhầm hướng đến những điều tốt đẹp hơn trên con đường bạn đang đi… Vì đối với tôi “Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển.”
 

Chân thành gửi lời cảm ơn đến tác giả của Suối nguồn – Ayn Rand, cùng nhóm dịch giả đã góp phần truyền tải nội dung cuốn sách đến người đọc một cách chân thật và rõ ràng nhất về hình thức lẫn ý nghĩa và cả người bạn đã giới thiệu cho tôi một tác phẩm để đời

Ayn Rand (tên sinh Alisa Zinov’yevna Rosenbaum; tiếng Nga: Зиновьевна Розенбаум; 1905-1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và vì đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta thực thể sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem. Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc.

Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha. Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực. Tính chất lý luận của Rand được mô tả là chủ nghĩa tiểu chính phủ (minarchism) và theo chủ nghĩa tự do (liberianism), mặc dù bà không bao giờ sử dụng thuật ngữ minarchism và ghê tởm chủ nghĩa tự do.

Mục tiêu rõ rệt của tiểu thuyết của Rand là miêu tả anh hùng của mình được lý tưởng hóa, một người có những khả năng và sự độc lập mâu thuân với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.

 

Alonehero
Nguồn: sachhay.org

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

10 + 18 =