Cậu nhóc mua cười suốt 50 năm (Nhóc Nicolas)

0
324

Cậu nhóc mua cười suốt 50 năm

Thật khó có thể hình dung hết được ảnh hưởng của một cậu nhóc đã khiến người ta vui cười suốt 50 năm, và vẫn còn tiếp tục khiến người ta vui nữa! Song với Nhóc Nicolas, đó là một thực tế nên hình dung!

Mới đây, khi tập di cảo tiếp theo và có lẽ là cuối cùng của Goscinny được đem ra xuất bản (nhan đề Nhóc Nicolas, quả bóng và các truyện khác), Hãng tin BBC đã viết bài đánh giá cậu là “quốc bảo của nước Pháp”. Nhóc Nicolas, quả bóng và các truyện khác chỉ là một trong ba việc lớn mà người Pháp tiến hành vào năm 2009 này để mừng sinh nhật nhóc Nicolas 50 tuổi: ngoài việc ra sách, một triển lãm lớn dành cho cậu nhóc được bày từ tháng 3 đến tháng 5 ở tòa thị chính Paris, và tháng 8, lần đầu tiên bộ phim về nhóc Nicolas sẽ chính thức ra mắt khán giả. Quá nhiều vinh dự cho một thằng nhóc 8 tuổi, tài cán chả rõ, nghịch ngợm quá trời và học dốt ở mức gần đội sổ!


[IMG]

Nhóc Nicolas qua nét vẽ đầy chất thơ của Sempé.


Nhưng thằng nhóc học trò đó dứt khoát có điều gì đó kỳ diệu để đến nay, dù hoàn cảnh xã hội ở nước Pháp đã biến chuyển, môi trường giáo dục đổi khác, học trò từ lâu đã không tự do cắp cặp tung tăng trên phố để tới trường nữa thì vẫn còn nguyên đó, với trẻ con và người lớn, niềm vui được lật giở những trò bi đáo, quậy phá, dằn dỗi, khoảnh ngầm, xấu thói, khoe khoang, lên mặt và bóc mẽ… Tóm lại, cả một tấn trò đời, diễn ra trong và ngoài cổng trường học của lũ thò lò mũi xanh.

Được phụ họa, được tăng cường cho ép-phê bởi những bức vẽ đầy chất thơ, thấm đẫm chất hài dịu dàng của Sempé, quả thật nhóc Nicolas đã chinh phục được hết thảy độc giả bởi một thứ ngôn ngữ trẻ nít, mày tao chi tớ đơn giản, lặp lại, nhưng ngây thơ vô hạn, thứ ngôn ngữ mà Goscinny đã dùng để vẽ ra cả một thế giới của sinh hoạt đời thường trong nhà ngoài ngõ.

Thế giới của nhóc Nicolas: bố cạo giấy văn phòng và chớm phát phì, mẹ quẩn quanh nội trợ và hơi căng thẳng, bà ngoại thi thoảng đến và xung khắc với chàng rể, các ông hàng xóm ba sôi hai lạnh, cô giáo những khi không khó chịu thì hiền, thầy Nước Lèo luôn rình rập và đáng sợ, thầy hiệu trưởng luôn dọa dẫm, Marie-Edwige – cô bé hàng xóm tóc vàng thật “hết sảy”… Nhưng trên hết là cái băng bạn bè của cậu nhóc. Cả một bảng màu hoành tráng về tính cách: Geoffroy hay khoe mẽ và có bố giàu, Alceste tham ăn, chuyên gia cho bạn chầu mồm, Rufus có bố làm cảnh sát, Agnan mọt sách tính như cụ non và hay hớt lẻo, Maixent chân dài chấp cả lũ về chạy, Clotaire có xe đạp và luôn xếp bét lớp… Tính nào nết ấy, lũ học trò đã tạo ra cả một thế giới thường xuyên rối tinh rối mù đối với những người lớn bị chúng cho vào tròng.

Cái thế giới ấy, với độc giả đứng tuổi, luôn hiện ra đơn giản mà sâu sắc, hài hước mà trìu mến, và luôn luôn, ở sau tất cả, ở trên tất cả, những khó chịu thoáng hiện, những câu thúc đủ độ, những ngậm ngùi vừa phải của thế giới người lớn… là cái cười.

Cái cười trong thế giới của nhóc Nicolas luôn át đi tất cả. Để chúng ta không bao giờ ra khỏi thế giới của hài hước.

Cái cười khi trực diện, khi kín đáo, khi nở toét tức thì, khi lần hồi hóm hỉnh, bao giờ cũng có đó. Chờ ta. Ở những trạng huống trái khoáy, nơi người lớn, dù là bố hay mẹ, cô giáo hay thầy hiệu trưởng, thầy Nước Lèo hay anh hướng đạo sinh, thầy thể dục hay ông câu cá… tất cả chẳng chóng thì chầy đều chịu chung một số phận: bị tẽn.

Phải, với nhóc Nicolas và lũ bạn, ai cũng có thể bị tẽn. Vì chúng là lũ trẻ nít. Lũ biết một mà chẳng biết hai. Nhưng vì chúng chẳng cần biết hai nên thế giới của chúng mãi là một khúc đoạn xanh tươi nhất mực trong đời người, mãi là một thủa đến trường, tay lấm mực, lòng ngây ngô, ống quần xoăn tít, mơ ngờ ước nghệch, đã qua với mỗi người nhưng vẫn tiếp diễn cùng tất cả. Nhóc Nicolas nhắc nhớ sâu thẳm trong ta về một đứa học trò vĩnh cửu.

Thế nên ta chẳng ngạc nhiên khi thằng nhóc đó, dù xuất thân bình dân tầm thường, chẳng được cao sang như cậu hoàng con đến từ tinh cầu xa, cùng với bạn bè của nó vẫn tiếp tục khiến người ta vui dường ấy.

Gặp gỡ vào năm 1955, Goscinny và Sempé, người hai bảy kẻ hai mốt, tức thì đã kết thành một cỗ máy sáng tạo hoàn hảo. Ngày 29-3-1959, trên tờ Tây – Nam Chủ Nhật (Pháp) đã xuất hiện truyện đầu tiên về một thằng nhóc tên là Nicolas, viết bởi Goscinny, minh họa bởi Sempé. Không ai ngờ được thằng nhóc ấy sẽ thành Nhóc Nicolas ngày nay. Cũng như cỗ máy ấy sẽ tiếp tục vận hành trơn tru bảy năm ròng sau đó: Goscinny đã viết hơn 200 truyện và Sempé thì minh họa. Với Nhóc Nicolas, Goscinny – còn là tác giả của Astérix, Lucky Luke – đã trở thành ngôi sao. Cũng với Nhóc Nicolas, sự nghiệp minh họa của Sempé đã chính thức cất cánh.


NGUYỄN QUẾ DƯƠNG
Nguồn: nhanam.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

one × three =